Những món ngon khó bỏ qua khi du lịch Mộc Châu

Tham vấn y khoa : Bác sĩ - 13/12/2016

Trên khắp dải đất hình chữ S, hiếm có nơi nào có cảnh sắc thiên nhiên vô tận lại có cả ẩm thực đặc sắc như cao nguyên Mộc Châu. Cảnh sắc nơi đây nổi tiếng với sắc hồng của hoa đào, màu trắng tinh khôi của hoa mận, hoa ban, hay màu xanh mướt của những đồi chè mênh mông, trải dài tới tận phía chân trời. Tuy vậy, những món ngon Mộc Châu góp phần không nhỏ thêm cho sự nổi tiếng của cao nguyên này. Nếu du lịch Mộc Châu các bạn hãy dắt túi theo những món ăn nổi tiếng của Mộc Châu và địa chỉ ăn ngon ở Mộc Châu dưới đây để tận hưởng hết những hương vị tinh hoa của mảnh đất cao nguyên này các bạn nhé.

Các Món Ngon Mộc Châu bạn không nên bỏ lỡ

Bê chao Mộc Châu

moc-chau01

Bê chao được làm từ thịt của những chú bê con và ngon nhất là những chú bê được sinh ra tròng vòng 7 ngày tuổi, chỉ bú sữa bò mẹ. Thịt của bê được đem chế biến không quá cầu kỳ nhưng đem lại món ăn vô cùng thơm ngon, hấp dẫn. Thịt bê được xắt thành từng miếng con chì, đem ướp sả, gừng, gia vị rồi chao nhanh tay qua dầu sôi trên bếp lửa. Người nấu bê chao phải biết ăn chỉnh sao cho thịt bê không quá chín sẽ bị dai và không quá nhanh chưa kịp chín tới để cho ra đĩa những miếng bê chao tuyệt hảo với bì giòn, thịt mềm và ngọt cùng hương vị vừa ăn thơm ngon của gia vị.

Bê chao ăn nóng giữa tiết trời se lạnh của cao nguyên chấm cùng nước tương pha chế đặc biệt, ăn kèm rau sống và nhấp ly rượu táo mèo… Tất cả tạo nên một món ăn ngon tròn vị, đậm đà khiến không ai có thể chối từ và nhớ mãi về hương vị của cao nguyên đọng lại trong món ăn ấy.

Giá: 100.000 – 150.000 vnđ/đĩa.

Cá suối

Món cá suối Mộc Châu có nguyên liệu là những chú cá suối có mình và miệng tròn vo, thân hình bé như ngón tay được đánh bắt đem về chiên vàng hoặc kẹp vào thanh tre đem nướng trên bếp than hồng. Khi cá chín có mùi thơm của thịt, lớp thịt chín vàng và ngọt. Cá ăn được chấm với nước mắm ăn cả đầu lẫn xương nhai giòn tan.

Cá suối được bán trong các nhà hàng Mộc Châu, nếu tình cờ bạn cũng có thể bắt gặp món ăn này ở các homestay trong các bản.

Thịt trâu gác bếp

thit-trau-gac-bep

Thịt trâu gác bếp là món đặc sản của người Thái đen trên mảnh đất Mộc Châu được làm từ thịt của những chú trâu, bò chăn thả tự do trên cao nguyên.  Thịt được cắt thành miếng to đem ướp qua gia vị như: ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén đem để lên gác bếp. Thịt được làm chín bởi khói bếp và hơi nóng từ bếp tỏa ra.

Một thời gian sau thịt chín mang theo mùi khói bếp đặc trưng, miếng thịt khô nhưng đậm đà gia vị và ngọt bùi dai dai. Khi ăn xé nhỏ thịt dọc theo thớ, nhâm nhi uống cùng chén rượu ngô trong tiết trời se lạnh là một cách thưởng thức thịt trâu gác bếp đúng điệu nhất.

Gà nướng – thịt nướng mắc kén

ga-nuong

Mắc kén là một loại gia vị đặc trưng của người Thái, vị mắc kén nồng nồng cay cay, khi chưa ăn quen sẽ thấy khó ăn bởi vị nồng của thứ quả rừng này. Nhưng khi mắc kén được làm đồ chấm và gia vị cho các món ăn sẽ khiến bạn “nghiện” và nhớ mãi. Người dân tộc nuôi được nhiều gà đồi, những con gà chạy thả rông nhặt sỏi đá trên cao nguyên mà lớn lên nên thịt gà ngọt và chắc. Lợn cũng được nuôi như vậy nên thịt dai và thơm ngọt. Thịt lợn và Gà nướng được người Thái tẩm, ướp gia vị trong đó có mắc kén và khi ăn thì chấm cùng bát chấm: chanh, ớt, muối, mắc kén. Ăn kèm cơm lam hay xôi trắng tạo nên một món ăn miền sơn cước đầy mộc mạc nhưng đậm đà.

Bạn có thể tìm thấy món ăn này tại các homestay hay các nhà hàng của Mộc Châu.

Ốc đá

oc-da-suoi-bang-moc-chau

Ốc đá ở Mộc Châu thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8 có mình dẹp, to trung bình bằng hai đốt ngón tay, miệng loe ra có màu trắng sữa. Ốc được chế biến đơn giản như luộc ăn chấm với nước chấm xả ớt, ăn ốc giòn ngọt, cay cay mà vị thanh mát. Ngon hơn và công phu hơn có thể luộc chín, khều ốc ra nấu cùng lá rừng như: lá nồm, măng chua,.. làm món canh ốc. Ngoài ra, ốc cũng có thể đem làm nộm với xoài chua ăn kèm rau sống như: mùi tàu, lá gừng, tía tô,… Tất cả các món ăn từ ốc đều đem lại hương vị rất đặc biệt vì thịt ốc ngọt mát, giòn dai, thơm ngon bởi chúng chỉ ăn lá rừng trong suốt vòng đời của ốc trong đó có cả các lá cây thuốc quý.

Khoai sọ mán

khoai-so-man

Khoai sọ được người Dao trồng trên mảnh đất của họ, khoai có hình thù, màu sắc khác biệt vì thế làm nên sự đặc sắc khi chế biến món ăn này. Khoai không trồng được ở những nơi khác và cũng không có giống để trồng. Khoai được chế biến thành món canh nấu với xương hoặc rán. Khoai sọ mán thơm, ngọt và bở bung khi ăn cảm giác khoai tan trong miệng thấm dần vị ngọt vào vị giác của người thưởng thức. Khoai có mùi thơm đặc trưng cùng hương vị không giống khoai nào có vì thế lên Mộc Châu mà lỡ được ăn món này sẽ nhớ mãi không nguôi.

Cá hồi Mộc Châu

Cá hồi trước đây là sản vật quý hiếm chỉ có ở Đà Lạt, Lâm Đồng hay Sapa. Nhưng với sự tìm tòi, chăm chỉ và dám làm của những người dân Mộc Châu thì cá hồi đã được nuôi ở Mộc Châu, lớn lên khỏe mạnh và dần trở thành đặc sản của mảnh đất cao nguyên này. Cá có thể được chế biến thành rất nhiều món như: gỏi, nướng, chiên tẩm bột, xông khói, lẩu hay cháo. Đặc biệt ngon nhất là món gỏi cá hồi ăn kèm rau cải, gừng, xoài, dứa, tía tô, lá chua chấm mùi tạp, xì dầu. Cá hồi vừa tươi, ngon và rẻ . Nếu ăn một bữa cá hồi du khách mất khoảng 200.000 đồng là đã được thưởng thức đủ các món được chế biến từ cá hồi. Ngoài ra, còn có thể mua về với giá khoảng 350.000 đồng/kg.

Cải mèo 

Cải mèo Mộc Châu chỉ có vào mùa đông và mùa xuân. Cải dễ trồng, được gieo hạt xuống đất là mọc lên đầy sức sống không cần chăm bón nhiều, cải mọc quanh nhà hay ruộng ở nương rẫy. Cải mèo được người dân sử dụng như thứ rau ăn chính hàng ngày.

Cải mèo chế biến đơn giản như nấu canh hoặc luộc. Cải mèo cắt thành khúc vừa ăn đem luộc chín chấm nước mắm hay nước dầm trứng.  Vị đắng ngăm ngăm lại ngọt ngọt của cải quyện với vị mặn thơm của xì dầu và vị béo của lòng đỏ trứng gà… Tất cả hòa thành một thứ hương vị đặc trưng mê hoặc. Ngoài ra, cải có thể dùng nấu canh đập vài lát gừng thơm lừng hay ăn lẩu, xào cùng thịt bò, thịt gà,… Món nào cũng có hương vị riêng biệt mà mang theo tinh túy của đất trời Mộc Châu không đâu có được.

Nộm da trâu

nom-da-trau

Da trâu trước giờ mọi người chỉ biết có công dụng để làm trống vì da trâu rất dai do vậy không ai nghĩ đó lại có thể là nguyên liệu cho một món ăn. Nhưng với sự tài tình của người Thái ở Mộc Châu họ chế biến thành một món ăn dai giòn, ăn mãi không ngấy, không chán. Da trâu được làm sạch, thái sợi theo bí quyết của người Thái sau đó trộn cùng các gia vị và rau thơm như: như lạc, mùi ta, mùi tàu, chút hạt mắc khén đặc trưng bóp cùng nước măng chua. Nước măng chua là thứ nước có vị chua thơm, thanh thanh được ngâm từ măng củ tươi, nước suối và gia vị để một thời gian mới có thứ nước chua tuyệt hảo này.

Nộm được bóp và tẩm ướp xong xếp gọn lên đĩa và thưởng thức cùng chén rượu táo mèo cay nồng và vị lạc bùi ngậy, da trâu giòn đanh tất cả khiến bạn ngây ngất bởi món ăn độc đáo này.

Xôi ngũ sắc

xoi-ngu-sac

Xôi ngũ sắc là món ăn phổ biến của miền núi Tây Bắc, xôi được làm từ gạo nếp thơm dẻo, trộn với các loại lá cây mang màu sắc khác nhau tạo ra màu cho xôi như: đen, đỏ, vàng, tím, canh,… Người phụ nữ dân tộc Mộc Châu vừa khéo léo lại tinh tế làm nên món xôi dẻo thơm mùi đặc trưng của từng loại cây và có màu sắc đẹp để dâng lên tổ tiên và trời đất trong các dịp lễ Tết.

Nậm Pịa

nam-pia

Món ăn này không phải ai cũng thưởng thức được nếu bạn không đủ sự dũng cảm, có thể nói đây là món ăn “kinh dị” của miền sơn cước. Nậm pia được chế biến từ: tiết đông, sụn, đuôi, thịt, bạc nhạc, lục phủ ngũ tạng như lòng, dạ dày và ruột non có chứa phân non của bò, ngựa, trâu hoặc dê đôi khi bỏ thêm cả mật. Vì vậy món ăn này mang mùi đặc trưng khá khó chịu. Khi nấu, người ta cho thêm một vài loại lá cây rừng ninh trong vòng 1 tiếng để tất cả nhừ và nước sền sệt lại. Khi thưởng thức  món ăn như ăn một loại canh còn nóng bốc hơi nghi ngút và nhấp cùng chén rượu cay. Nậm pia dù là món ăn không dễ ăn nhưng rất tốt cho sức khỏe và giải rượu hiệu quả.

Thắng cố

thang-co

Bên cạnh nậm pia thì thắng cố cũng là món ăn không dễ ăn ở vùng cao, tuy nhiên thắng cố dễ ăn hơn nậm pia và cách chế biến cũng khác nậm pia mà chỉ người nấu mới có công thức. Thắng cố là món ăn đặc trưng truyền thống của người H’mông, được chế biến từ hầu hết các bộ phận con ngựa ( bò, trâu) và ninh kèm với nhiều loại rau củ. Khi ăn du khách tự nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

Bún cá lóc

Nhắc tới bún cá lóc người ta thường nghĩ đến món bún cá lóc miền Tây với hoa điên điển vàng và ít ai nghĩ ở miền cao nguyên sơn cước này lại có món bún cá lóc cũng là một trong những đặc sản của vùng. Bún cá lóc Mộc Châu khác với những nơi khác bởi một bán bún cá lóc thông thường sẽ được ăn kèm sung muối sổi. Đây chính là hương vị làm nên sự khác biệt cho món ăn. Sung muối xổi chát chát, chua chua lại giòn bùi khi ăn kèm bát bún cá lóc nóng hổi cùng dọc mùng và thịt cá lóc chiên giòn thì tạo nên một bán bún không nơi nào có được.

Bên cạnh các món ăn thì các loại quả của Mộc Châu cũng là một phần không thể không thưởng thức khi tới cao nguyên. Ngoài những loại quả đặc trưng như đào, mận thì cao nguyên có rất nhiều loại quả khác như: bơ, quýt, dâu tây, kiwi,…

Đào, mận, mơ

Đào Pháp, đào Mỹ tháng 4 là quả chín trĩu trịt trên cây. Mận và mơ thì muộn hơn đào, khoảng tháng 5 đến tháng 6 mới vào vụ chính. Đào mận được vặt ăn ngay tại vườn, mơ thì đem ngâm rượu hay làm siro, làm mơ muối. Lên Mộc Châu mùa này mới thấy cái không khí rộn ràng của bà con thu hoạch một mùa quả bội thu. Quả đào quả mận chất đầy trong các gùi mây địu trên lưng người bản xứ với váy áo thổ cẩm rực rỡ. Bạn có thể mua cả bao tải với giá rẻ không đâu có được đem về xuôi làm quà cho gia đình, bạn bè.


Tháng 7 là mùa bơ chín, những quả mơ xanh ngắt lúc lỉu trên cây, không phun thuốc, không bón phân, không chất bảo quản, chất kích thích, chín tự nhiên và tự tay bạn hái xuống. Bơ còn tươi ăn hơi nhạt nhưng ngậy, thơm và vào đến cổ họng rồi mới thấy ngọt mát, thanh thanh. Để vài ngày sau bơ chín hẳn có vị ngọt béo ngậy, không cần đường sữa mà có thể thưởng thức ngay được. Bơ còn chế biến thành nhiều món ăn như làm sinh tố, salad hay làm nguyên liệu làm đẹp.

Lưu ý:


– Khi vào bản những bản xa trung tâm hãy hỏi người dân xem được phép vào thăm bản không vì an ninh trên này cũng khá phức tạp.
– Khi vào nhà dân: chào hỏi thân thiện, xin được vào thăm nhà. Tránh thái độ coi thường bà con dân tộc của một số du khách: tự tiện vào chụp ảnh, cười nói như nhà không có chủ; có những lời lẽ không hay về phong tục, lối sống của bà con
– Khi mua đào, mận cũng không cần mặc cả, vì bà con rất mến người, bán đấy mà như cho.
– Có ý định vào bản nên chuẩn bị chút kẹo bánh để mời bà con, nhất là trẻ con và người già để tạo không khí thân thiện, cơi mơ. Khi chia tay, qua trưởng bản có thể tặng vào quỹ của bản một chút tiền để dọn dẹp vệ sinh…
– Không vứt rác bừa bãi hay bẻ cây quả của người dân mà không hỏi xin phép

Xem thêm: Ăn gì để tăng cường sinh lý cho nam giới?